TRẺ TỰ KỈ – NHỮNG ĐIỀU PHỤ HUYNH CHƯA BIẾT
Tự kỷ là một rối loạn về phát triển, biểu hiện đặc trưng bởi sự khiếm khuyết về chất lượng tương tác xã hội, giao tiếp và các biểu hiện hành vi định hình, rập khuôn, thu hẹp bất thường; kèm theo nhiều rối loạn về thực thể và tâm thần khác.
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ gia tăng một cách đáng kể theo thời gian. Nếu như vào những năm 1966, trong nghiên cứu dịch tễ học của Lotte về trẻ rối loạn phổ tự kỷ, tỷ lệ trẻ nhỏ có rối loạn phổ tự kỷ là 4 – 5/ 10.000 (0,5‰), thì đến năm 2007, số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ nhỏ có rối loạn phổ tự kỷ là 1/150 trẻ (6,6‰); và năm 2009 là 1/110 (9,1‰). Năm 2012: 1/88 và năm 2014: 1/68.
Các nghiên cứu ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ cho biết tỷ lệ mắc rối loạn phổ tự kỷ là khoảng 1%. Ở Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Nhưng từ năm 2000 đến nay, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng gia tăng. Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 – 2007 cho thấy số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng nhiều; số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; xu thế mắc tự kỷ tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004 – 2007 so với năm 2000.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), năm 2018 số người tự kỷ chiếm 1% dân số. Cứ 59 trẻ thì có một được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Tỷ lệ bé trai tự kỷ cao gấp bốn lần so với bé gái.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA TỰ KỈ Ở TRẺ EM
Chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra tự kỉ ở trẻ em. Rối loạn phổ tự kỉ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển:
− Đẻ non tháng dưới 7 tuần.
− Cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500g.
− Ngạt hoặc thiếu ô-xy não khi sinh.
− Chấn thương sọ não do can thiệp sản khoa.
− Vàng da nhân não sơ sinh.
− Chảy máu não-màng não sơ sinh.
− Nhiễm khuẩn thần kinh như viêm não, viêm màng não.
− Thiếu ôxy não do suy hô hấp nặng.
− Chấn thương sọ não.
− Nhiễm độc thuỷ ngân.
- Yếu tố di truyền
− Bất thường về nhiễm sắc thể
− Bệnh di truyền theo gen hoặc nhóm gen.
- Yếu tố môi trường
Môi trường sống ít có kích thích lên sự phát triển của trẻ trong 24 tháng đầu: chủ yếu cho trẻ xem vô tuyến truyền hình, quảng cáo, âm nhạc… thay cho sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ và gia đình. − Một số hoá chất, kim loại nặng có thể gây tổn thương não.
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỚM TRẺ TỰ KỈ
Để nhận biết chính xác trẻ có bị rối loạn phổ tự kỉ hay không thì cần phải có những chẩn đoán, đánh giá chính xác của các nhà chuyên môn. Tuy nhiên cha mẹ có thể căn cứ vào các biểu hiện sau của con mình để hỗ trợ và đưa con đến các cơ sở chẩn đoán tin cậy:
– Suy giảm kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội
Trẻ ít cười nói, không nhìn vào mắt người đối diện, không tương tác với người khác cho dù người lớn có phản ứng hoặc đưa ra bất cứ tín hiệu nào, trẻ cũng không mảy may đã động đến. Trẻ không thể hoặc khó kết bạn, thích chơi một mình và thường nói những câu từ vô nghĩa, hay gầm gừ. Đặc biệt, trẻ có ít phản ứng với tên gọi và không giao tiếp mắt mắt.
– Có những hành vi, chuyển động lặp đi lặp lại, rập khuôn:
Có thể trẻ lắc lư người ra phía trước và phía sau, vỗ tay hoặc đập đầu vào tường, dậm chân, ngồi yên một vị trí, thường xuyên vặn hoặc nhìn ngón tay của mình trong suốt thời gian dài mà không biết chán, chuyển đồ chơi từ tay này sang tay khác liên tục. Đa số trẻ chỉ thích chơi lặp đi lặp lại với 1 đồ chơi, khi bị ai đó lấy mất thì trẻ có phản ứng thái quá.
– Khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh:
Những trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường cứng nhắc trong tư duy nên sẽ gặp khó khăn để hiểu và tự điều chỉnh khi có sự thay đổi, ví dụ như trẻ đi theo một con đường nhất định để về nhà hoặc đến trường, luôn bắt gia đình tuân theo một nếp sinh hoạt nhất định đến từng chi tiết nhỏ, hay chỉ ăn một loại thức ăn nhất định,… Do đó, nếu thay đổi, trẻ lập tức phản ứng mạnh mẽ (la khóc, cào cấu,…).
– Có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ và nhận thức:
Theo nghiên cứu, có đến 70% trẻ em không may mắc chứng tự kỷ chậm phát triển về trí tuệ, tất nhiên là chỉ đến một mức độ nào đó. Tuy nhiên, trẻ mắc tự kỷ chỉ có biểu hiện là phát triển nhận thức không đồng đều, có thể gặp khó khăn với một số lĩnh vực nhất định, đặc biệt là giao tiếp xã hội chứ không phải là hạn chế nhận thức toàn bộ. Đôi khi một số trẻ lại phát triển một cách bất thường các kỹ năng khác như ghi nhớ các con số, sáng tác âm nhạc, nghệ thuật, toán, hội họa, cơ khí,
CHẨN ĐOÁN, ĐÁNH GIÁ TRẺ TỰ KỈ
Khi cha mẹ có những nghi ngờ về sự phát triển của con mình, đặc biệt thấy trẻ có những dấu hiệu như bên trên thì cần phải đưa đến bệnh viện hoặc các trung tâm tâm lý, giáo dục đặc biệt để được đánh giá, chẩn đoán chính xác về vấn đề tự kỉ của con mình. Hiện nay có nhiều phương pháp, công cụ khác nhau để chẩn đoán, đánh giá trẻ có phải rối loạn phổ tự kỉ hay không.
BIỆN PHÁP CAN THIỆP TRẺ TỰ KỈ
Tự kỷ là một hội chứng hiện chưa có thuốc chữa. Song, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các biện pháp can thiệp sớm có thể cải thiện sự phát triển của trẻ, bao gồm:
– Liệu pháp tâm lý – giáo dục:
Giáo dục là phương pháp điều trị chứng tự kỷ rất phổ biến. Trường học dành cho trẻ tự kỷ cung cấp các dịch vụ đặc biệt, gồm liệu pháp về ngôn ngữ và nghề nghiệp, giúp trẻ học tập và phát triển. Sử dụng các hình thức can thiệp cá nhân, nhóm với những phương pháp dạy đặc thù cho trẻ tự kỉ như TEACCH, PECS, ABA, DTT, FLOORTIME,…
– Liệu pháp Y học:
Bác sĩ sẽ định hướng sử dụng thuốc điều trị như thuốc chống suy nhược hoặc thuốc bổ thần kinh giúp trẻ ổn định hơn, tránh sự quá kích động tự làm tổn hại tới bản thân. Bên cạnh đó, phụ huynh nên kết hợp cho trẻ ăn uống đầy đủ các vitamin cần thiết nhằm giảm được các chấn động ở hệ thống thần kinh.
– Can thiệp hành vi:
Một phương pháp điều trị chứng tự kỷ tiếp theo là các liệu pháp hành vi giúp giảm các hành động bắt chước, lặp đi lặp lại rập khuôn hay những hành vi không phù hợp, gây gổ ở trẻ. Các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ xử lý một vài hành vi điển hình nào đó, thường xuyên khen thưởng, động viên mỗi khi bé có những biểu hiện tốt.