Hiểu đúng về phát triển chậm ở trẻ em
Mỗi trẻ phát triển và học hỏi theo từng mức độ riêng, và phạm vi của những thứ được gọi là bình thường thì tương đối rộng. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể không có những kỹ năng mà hầu hết những đứa trẻ khác cùng trang lứa đều có. Các chuyên gia tâm lý giáo dục gọi những vấn đề này là sự chậm về phát triển ở trẻ em.
Hiện nay, do những ảnh hưởng khác nhau dẫn đến trẻ có những rối loạn phát triển hoặc chậm phát triển ngày càng gia tăng. Trẻ rối loạn phát triển có thể gặp vấn đề như khuyết tật trí tuệ (trễ về phát triển), rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm tập trung; chậm phát triển ngôn ngữ… gặp khó khăn trong sự phát triển nhận thức, trí tuệ, ngôn ngữ, vận động, cảm xúc và hành vi.
Quá trình phát triển của trẻ
Ở mỗi gia đoạn độ tuổi thì trẻ phát triển các lĩnh vực ở mức độ khác nhau. Điều này được thể hiện như sau:
Trẻ sơ sinh – 1 tháng tuổi sẽ có một số phản xạ bẩm sinh quan trọng như: bú, mút, nuốt, nắm bàn tay. Trương lực cơ tăng ở các chi. Trẻ có những vận động tự phát; trẻ nhận biết mùi của mẹ. Khi 3 tuần tuổi trẻ biết đưa mắt nhìn vật di động.
Trẻ 1-3 tháng tuổi có thể lật từ ngửa sang nghiêng hoặc lật sấp, nâng đầu cao khi nằm sấp; giữ đồ vật trong tay, có thể đưa vật vào miệng; nhìn theo vật chuyển động, biết quay đầu nghe tiếng động. 1-2 tháng biết mỉm cười khi nhìn thấy mặt người, 3 tháng biết hóng chuyện.Về ngôn ngữ có thể phát âm ra những âm họng nhỏ thành tiếng líu lo.
Trẻ 4-6 tháng tuổi có thể lẫy từ ngửa sang sấp và ngược lại. Nâng đầu được lên khi nằm sấp, trườn người ra phía trước, có thể đứng nếu có người giữ; có thể với tay cầm nắm đồ vật; trẻ bắt đầu chơi đồ chơi gây tiếng động, thích chơi với bàn tay, biết quan sát và biểu lộ cảm xúc vui đùa với mọi người, ham thích môi trường xung quanh.Về ngôn ngữ có thể bập bẹ các âm đơn như a, u, ư…, cười giòn thành tiếng.
Trẻ từ 7 – 9 tháng tuổi có thể tự ngồi vững, tập bò và bò được, có thể đứng vịn; cầm hai vật đập vào nhau, chuyền tay một vật, có thể nhặt vật nhỏ bằng ngón tay cái và một ngón khác; biết chơi “ ú oà”, vẫy tay chào, hoan hô, phân biệt lạ quen, biết theo mẹ, tìm đồ chơi khi bị giấu, biết vui đùa, sợ hãi. Về ngôn ngữ có thể nói được ma ma, ba ba, măm măm…, biết quay đầu về phía có tiếng nói.
Trẻ 10 – 12 tháng tuổi có thể tập đứng rồi đứng vững, tập đi, đi được vài bước; nhặt vật nhỏ bằng 2 đầu ngón tay; nhỉ tay vào vật trẻ muốn, lặp lại một số hành động để gây sự chú ý của mọi người; thực hiện một số yêu cầu đơn giản như “giơ tay”, “ chào”… Về ngôn ngữ có thể hiểu được từ trước nói được một vài từ, hiểu câu đơn giản.
Trẻ 13 – 15 tháng tuổi có thể đi vững, đi nhanh, tập bước lên bậc cầu thang; sử dụng các ngón tay dễ dàng, tự cầm bánh ăn, vẽ nguệch ngoạc, xếp 2 khối vuông thành tháp, biết dốc hạt ra khỏi lọ; bắt chước làm một số việc đơn giản như lau rửa, chỉ được các bộ phận trên cơ thể, thể hiện vui mừng, giận dỗi, sợ hãi….. Về ngôn ngữ có thể nói được một số từ dễ gọi như bà, mẹ …, biết yêu cầu khi muốn.
Trẻ 15-36 tháng có thể chạy nhanh, lên xuống cầu thang được, ném bóng cao tay, đá bóng; xếp 4 khối vuông thành tháp; sử dụng ngón cái và ngón trỏ, tự xúc ăn, cầm chén uống, cài cúc áo, đi tất, có thể tập múa được. Về ngôn ngữ: 24 tháng trẻ nói được câu ngắn 2-3 từ. Vốn từ tăng, biết dùng lời nói để thể hiện ý muốn. 3 tuổi, trẻ có thể hát được bài hát ngắn
Trẻ 3- 4 tuổi có thể đứng bằng 1 chân vài giây, nhảy tại chỗ, nhảy qua vật cản thấp, đạp xe ba bánh; trẻ gái thích múa, trẻ trai thích tập võ; sử dụng các ngón tay dễ dàng, thích vẽ, vẽ được vòng tròn, xếp tháp bằng 6-8 khối gỗ; nhận biết mình là trai hay gái; biết chơi với trẻ khác, tự mặc và cởi quần áo, dễ tách mẹ; nói được họ tên, hỏi nhiều câu hỏi. Hay bắt chước hành vi của người lớn. Trẻ lấy mình làm trung tâm, chỉ biết đến mình. Cảm xúc thể hiện hồn nhiên, mọi hành động chịu sự chi phối của tình cảm. Về ngôn ngữ: vốn từ tăng nhanh, nói nhiều, nói câu dài và câu phức tạp hơn. Thích hát, đọc được bài thơ ngắn.
Trẻ 5-6 tuổi có thể đứng bằng 1 chân trong 10 giây, nhảy lò cò, đi nối gót, đi giật lùi, khả năng thăng bằng tốt; vận động khéo léo; biết tập viết; biết chơi với bạn nhưng chưa có bạn thân. Tự mặc đúng quần áo; tự tắm và vệ sinh. Bắt đầu biết tự kiểm chế hành vi cảm xúc, biết nhường nhịn người khác. Có ý thức trách nhiệm bản thân. Về ngôn ngữ: vốn từ tăng đến vài nghìn từ, nói mạch lạc có hình ảnh, có thể định nghĩa, giải thích sự việc để trao đổi thông tin; thích nghe kể chuyện và kể lại được.
WHO khuyến cáo, cha mẹ nên kiểm tra thường xuyên theo từng giai đoạn phát triển của trẻ để có những phát hiện kịp thời về những rối loạn chậm phát triển của con mình và có hỗ trợ kịp thời.
Trẻ có biểu hiện chậm phát triển là nỗi lo của rất nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm, bé vẫn có thể phát triển bình thường, bắt kịp các bạn cùng tuổi. Để đánh giá dấu hiệu của sự chậm phát triển ở bé từ 0 – 3 tuổi thì bé cần được theo dõi, khám sức khỏe định kỳ theo các cột mốc quan trọng của lứa tuổi như đã nêu trên để sớm phát hiện các nguyên nhân khiến bé chậm phát triển.
Đánh giá sự phát triển chậm ở trẻ em
Rối loạn phát triển thường được chẩn đoán từ thời thơ ấu, chuyên gia tâm lý trị liệu hoặc bác sĩ sẽ đánh giá sự chậm phát triển của trẻ ở các lĩnh vực thông qua các công cụ và phương pháp đánh giá khác nhau:
- Phát triển ngôn ngữ
- Phát triển nhận thức
- Kĩ năng giao tiếp
- Khả năng tương tác, xây dựng mối quan hệ với người khác
- Khả năng ứng phó với sự thay đổi của môi trường
- Kỹ năng vận động thô và vận động tinh
Tham vấn và can thiệp
Mỗi trẻ có sự phát triển chậm hoặc rối loạn phát triển khác nhau. Do đó, cần dựa vào từng khó khăn về phát triển của trẻ để có các biện pháp can thiệp trị liệu phù hợp.
– Hiểu đúng vấn đề của trẻ: Đánh giá và xác định chính xác các mức độ phát triển của trẻ so với trẻ cùng trang lứa.
– Hiểu và tôn trọng đặc điểm riêng của trẻ: Mỗi trẻ có cách tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài khác nhau, sở thích khác nhau. Cha mẹ cần hiểu rõ và tôn trọng sự khác biệt này ở mỗi trẻ.
– Khuyến khích động viên, nhìn nhận những điểm tích cực của trẻ: Luôn khen ngợi khi trẻ thực hiện được đúng yêu cầu, khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động theo sự chỉ dẫn.
– Hướng dẫn trẻ kiểm soát cảm xúc và hành vi: Đối với trẻ có rối loạn về cảm xúc và hành vi thì cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách thể hiện các cảm xúc và hình thành cho trẻ các hành vi đúng với chuẩn mực, ngữ cảnh. Cha mẹ phải làm gương, gần gũi với trẻ trong việc kiểm soát cảm xúc và hành vi.
– Dạy trẻ theo từng bước nhỏ: Đối với trẻ chậm phát triển ở các lĩnh vực thì cha mẹ cần hướng dẫn trẻ theo từng bước nhỏ và kết hợp hướng dẫn bằng lời và làm mẫu. Trẻ sẽ quan sát, bắt chước theo từng bước một.
– Tích cực tương tác và giao tiếp với trẻ, tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí, hạn chế để trẻ xem Tivi và điện thoại, máy tính.
– Với một số trẻ có rối loạn phát triển cần thêm các tư vấn về sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ từ bác sĩ.