Học sinh là mầm non tương lai của đất nước và ở bất kỳ thời đại nào thì các hoạt động quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất là vô cùng quan trọng đến những mầm non này. Có một sự thật đã có từ lâu rằng sức khỏe thể chất vốn vẫn được quan tâm hàng đầu và chúng ta đã bỏ rơi đi sức khỏe tinh thần của các em. Điều này vốn dĩ là dễ hiểu vì trong vòng vài năm gần đây chúng ta mới thật sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh bởi thiếu vắng đi sự đào tạo chuyên nghiệp các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý tại trường học.
Sau khi có Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường và Thông tư 31/2017/TT-BGD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông, từ năm 2018 đến nay, tất cả các trường phổ thông ở Hà Nội đều đang dần thành lập phòng tham vấn học đường. Đây thật sự là một thông tin tuyệt vời đến sự nghiệp ươm mầm những chồi non của đất nước và các mô hình phòng tham vấn học đường đã ra đời.
Các hoạt động chính tại phòng tham vấn học đường
Tham vấn tâm lý
Phòng tham vấn học đường vốn khá xa lạ đối với nhiều thế hệ học sinh và các thầy cô giáo bởi hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh từ lâu vẫn được giao cho các thầy cô giáo chủ nhiệm hoặc phòng đoàn đội của nhà trường. Tuy nhiên, các thầy cô chỉ được đào tạo về chuyên môn giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm mà chưa được đào tạo chuyên nghiệp về tham vấn tâm lý. Điều này đã gây ra sự khó khăn và bối rối cho các thầy cô giáo rất nhiều khi xử lý các vấn đề tâm lý của học sinh, đa phần giáo viên sử dụng kinh nghiệm cá nhân làm việc lâu năm tại trường của mình để giải quyết. Đâu đó, thầy cô sẽ chưa thể tạo ra được môi trường công bằng lành mạnh tích cực cho được tất cả học sinh.
Đối với học sinh ở bất kỳ các cấp nào cũng sẽ có những khó khăn vô hình như áp lực bài tập, kỳ vọng kết quả thi cử, sự phát triển tâm sinh lý, mối quan hệ bạn bè, phát triển giới tính, cảm xúc, thể hiện bản thân… mà đa phần các em chưa có sự hỗ trợ đồng hành tích cực từ gia đình và nhà trường, các em có thể sẽ tự mình khám phá. Nếu như các thế hệ trước đây, khả năng tự khám phá sẽ bớt nguy hiểm bởi các luồng thông tin học sinh nhận được sẽ từ sách báo tạp chí được kiểm duyệt tại thư viện nhà trường thì đến thời đại 4.0 học sinh sử dụng công nghệ nhiều hơn, thế giới của các em rộng mở hơn, khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng với dung lượng đồ sộ trên Internet. Và những thông tin này sẽ khó khăn trong việc chắt lọc nội dung nguy hiểm bạo lực, đồi trụy, văn hóa phẩm không lành mạnh…
Phòng tham vấn học đường tạo ra được không gian lành mạnh, lắng nghe tích cực, bầu không khí an toàn để học sinh, giáo viên và phụ huynh được nâng đỡ tâm hồn, chữa lành những tổn thưởng, hàn gắn những hiểu lầm trong cuộc sống. Nhiệm vụ của một nhà tham vấn tâm lý học đường là giúp cho học sinh cảm nhận được bài học ý nghĩa rằng: trường học không chỉ cung cấp tri thức mà là nơi giúp các em có được sự trưởng thành, chín chắn và xây dựng được những kỹ năng phù hợp để đương đầu được với các thách thức trong cuộc sống. Ý nghĩa lớn nhất của giáo dục là học sinh có được cuộc sống bình an, hạnh phúc và thành công. Phòng tham vấn sẽ kết nối được những giá trị đích thực trong cuộc sống với bài học mà các em nhận được từ các thầy cô giáo. Thông qua các hoạt động tham vấn một – một, hoạt động tham vấn nhóm hoặc chương trình dự phòng tâm lý các em học sinh có được những trải nghiệm tâm lý chân thực và xây dựng được nền tảng nhân cách khỏe mạnh có thể chống chịu được áp lực như thành tích hoặc những biến đổi bất ngờ trong cuộc sống.
Trị liệu tâm lý chuyên sâu
Thống kê số liệu cho thấy mức độ các vấn đề tâm trí của học sinh trong một trường được phân theo ba loại là mức bình thường, mức ranh giới và mức rối loạn nặng. Trong đó, mức độ bình thường chiếm 80%, mức ranh giới chiếm 15%, mức rối loạn nặng chiếm 5%. Điều này cho thấy phần đông học sinh trong trường chỉ vướng mắc các vấn đề thông thường như động cơ học tập, mục tiêu thành tựu, các mối quan hệ bạn bè, phát triển giới tính,… và hoạt động tham vấn tâm lý sẽ giúp các em vượt qua được những vấn đề cơ bản của lứa tuổi đó. Mức ranh giới là những vấn đề khó khăn trong học tập, hòa nhập môi trường, sự kiện căng thẳng đã khiến cho học sinh bối rối và khó khăn trong việc đưa ra phương hướng giải quyết nhưng học sinh vẫn có thể cố gắng duy trì được hoạt động học tập trong trạng thái mong manh giữ bình thường và mất kiểm soát. Mức độ rối loạn nặng là những vấn đề liên quan đến rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt,… được biểu hiện đặc thù như mất khả năng kiểm soát cuộc sống một cách bình thường. Chẳng hạn như trầm cảm quá mức học sinh sẽ không thể có đủ năng lượng để học tập hoặc tham gia các hoạt động tập thể dẫn đến chán nản kéo dài, mất hứng thú và động cơ hướng tới những mục tiêu lành mạnh trong cuộc sống. Ngoài ra cũng có những hành vi mà học sinh không thể tiếp tục tự kiểm soát cần sự can thiệp của bác sĩ tâm thần và kết hợp với sử dụng thuốc điều trị.
Đối với phạm vi của một phòng tham vấn học đường, thì đối tượng hỗ trợ tập trung vào 80% các em bình thường và một phần nào đó trong 15% các em trong mức độ ranh giới, 5% các em trong trạng thái rối loạn cần được trị liệu tâm lý chuyên sâu kết hợp cùng các tổ chức nằm ngoài phạm vi nhà trường và hỗ trợ can thiệp lâu dài để duy trì sự ổn định cho các em. Mục tiêu trị liệu tâm lý trong phòng tham vấn học đường là sàng lọc được các đối tượng học sinh theo các mức độ ở trên và lên lộ trình hỗ trợ cho từng đối tượng phù hợp. Toàn trường sẽ được tham dự các buổi dạy thuộc chương trình dự phòng tâm lý do phòng tham vấn tổ chức sau đó các em sẽ nhận diện từng vấn đề mình đang gặp phải và mục tiêu là các em có khả năng để tự vượt qua từ bộ công cụ chữa lành, khi học sinh cảm thấy mình khó khăn để giải quyết vấn đề thì sẽ xuống phòng tham vấn đặt lịch để được hỗ trợ một – một. Nhà tâm lý sẽ lên một lộ trình hỗ trợ cho học sinh sao cho phù hợp để các em có thể kết hợp hài hòa với phụ huynh, giáo viên trong các hoạt động sống hàng ngày tại nhà và học tập tại trường học.
Đánh giá tâm lý học sinh
Tại trường học, nhu cầu được thấu hiểu bản thân, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực tiềm ẩn của học sinh là rất lớn bởi các em đang trong lứa tuổi khám phá bản thân rất nhiều, không chỉ học sinh mà giáo viên hay phụ huynh cũng muốn hiểu hơn về con em, học sinh của mình. Vậy nên, ngoài việc tạo ra bầu không khí tích cực cho trường học thì phòng tham vấn cũng giữ nhiệm vụ vai trò đánh giá tâm lý cho học sinh.
Đánh giá tâm lý được chia làm hai hình thức: đánh giá trí tuệ phát triển và đánh giá tổn thương tâm lý.
Với hình thức đánh giá trí tuệ phát triển, thông qua các bài test Wisc IV, Raven, BarOn EQ-I, MBTI, DISC,… học sinh sẽ được đánh giá chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), năng lực điểm mạnh điểm yếu, tiềm năng vốn có, sở thích để từ đó định hướng được môn học sở trường của mình, điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục từ đó nhà tham vấn có thể tư vấn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh những môn học chuyên ban, trường lớp phù hợp năng lực cho học sinh và định hướng được ngành nghề trong tương lai với nguyện vọng sở thích và tiềm năng của học sinh đang có.
Với hình thức đánh giá tổn thương tâm lý, vấn đề tâm lý của mỗi học sinh đang có là khác nhau, nếu như trong cùng một lớp học nhưng mỗi em cũng sẽ có một tính cách riêng điều này được hình thành từ môi trường gia đình nơi học sinh được nuôi dưỡng là khác nhau và đặc điểm tâm sinh lý khả năng tự nhận thức của từng em cũng là khác nhau. Tất cả đã tạo ra sự đa dạng nhân cách cũng như ứng phó với căng thẳng của từng học sinh khác nhau. Khi đứng trước cùng một tình huống khó chịu như bài tập kém, một học sinh có thể có tình thần phấn đấu cho bài tập sau nhưng với học sinh khác sẽ lại suy nghĩ tiêu cực về bản thân, buồn chán buông xuôi không còn tinh thần học tập. Sau khi sử dụng những test đánh giá như: thang lo âu học đường, CBCL, thang trầm cảm vị thành niên,… nhà tham vấn định hình được khí chất, tính cách và nhân cách của của từng học sinh để chữa lành, hàn gắn những tổn thương, sự hẫng hụt, tuyệt vọng… đang có để thông qua các buổi tham vấn một – một, hoạt động nhóm hoặc dạy chương trình dự phòng học sinh có được trải nghiệm bình an, thoải mái trong môi trường học đường. Các vấn đề tâm lý trong học đường thường tập trung vào những kỳ vọng về thành tích, khẳng định giá trị bản thân, mối quan hệ xa cách chưa có sự thấu hiểu giữa bạn bè, giáo viên – học sinh, phụ huynh – con cái, tìm hiểu về giới tính,… Đây là những khía cạnh cơ bản thường diễn ra trong trường học, chúng kết hợp với việc học tập kiến thức trên lớp học để tạo ra những lứa học sinh toàn vẹn, hài hòa về trí tuệ thông minh và trí tuệ cảm xúc.
Đánh giá và trị liệu tại Braincare
Chúng tôi có đội ngũ chuyên gia tâm lý, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm đánh giá, tham vấn, trị liệu, chẩn đoán uy tín, mang đến lợi ích cho khách hàng.
Braincare hướng tới trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tinh thần tại Việt Nam, làm thay đổi thói quen và nhận thức của người Việt Nam trong việc chú trọng sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Braincare “Vì cộng đồng hạnh phúc từng giây”.
Đăng kí tư vấn