Xung đột trong doanh nghiệp
Xung đột là một trong những hiện tượng tâm lý xã hội thường xuyên có mặt trong đời sống tập thể. Nếu xung đột được giải quyết một cách khoa học, khách quan và công bằng thì nó sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển tập thể sản xuất kinh doanh.
Các nghiên cứu cho thấy, trạng thái ổn định chỉ mang tính nhất thời còn trạng thái thay đổi, biến động luôn xảy ra. Trạng thái ổn định của tập thể như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tính chất, quy mô, và cách thức giải quyết xung đột của nhà quản lý doanh nghiệp.
Nguyên nhân xung đột:
Có rất nhiều nguyên nhân nhưng có 3 nhóm nguyên nhân được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận là: nguyên nhân giao tiếp, nguyên nhân tổ chức và nguyên nhân khác biệt quan điểm cá nhân.
- Nguyên nhân giao tiếp là khi không có sự thấu hiểu thông điệp của nhau, tiếng ồn trong kênh giao tiếp, thiếu thông tin, bất đồng quan điểm, mục đích, hệ giá trị.
- Nguyên nhân tổ chức là khi phân công nhiệm vụ, chức năng không phù hợp, các cơ chế quy định không được chuẩn hóa, chồng chéo, đánh giá người lao động không khách quan, trung thực, phong cách lãnh đạo không phù hợp.
- Nguyên nhân khác biệt quan điểm khi mỗi người có một đặc điểm khác nhau về lứa tuổi, giới tính, trình độ, không phù hợp tâm lý về đạo đức, lối sống, khác nhau về tâm tư, tình cảm, động cơ, hệ giá trị.
Nguyên tắc giải quyết xung đột:
- Tôn trọng đối phương, cần có sự thông cảm, chia sẻ với các bên xung đột khi tiến hành giải quyết.
- Tính khác quan và nhượng bộ, khuyến khích một cách cư xử nhân văn, buông bỏ dần tham vọng của bản thân, hạn chế lấn át lợi ích của người khác.
- Hãy lắng nghe và trình bày lại quan điểm của mình với đối phương, mục đích là thấu hiểu quan điểm của nhau trước vấn đề đang diễn ra.
- Hãy tự kiểm tra lại mình: sau khi thể hiện sự tôn trọng, thừa nhận quan điểm của nhau thì các bên cần xem xét lại quan điểm của mình, điều quan trọng là giải quyết xung đột, giữ liên lạc thường xuyên với nhau.